Đỗ Đại học có thể nói là mục tiêu hàng đầu của các bạn 2k7 nói riêng và các em học sinh THPT nói chung. Kỳ thi đánh giá tư duy ĐHBK Hà Nội gần đây đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ các bạn học sinh và các bậc phụ huynh, với mong muốn tăng cơ hội đỗ đại học, đặc biệt là những trường Đại học Top đầu.
Vậy thi đánh giá tư duy là gì, kỳ thi này diễn ra nào, dành cho những ai và nên chuẩn bị những gì để đạt kết quả tốt nhất? Trong bài viết này, Hava sẽ chia sẻ với bạn 9 yếu tố cốt lõi giúp bạn “hiểu luật” và “chơi” tốt với “game đánh giá tư duy” này.
Video: Những điều cần biết về kì thi ĐGTD do ĐHBK Hà Nội cùng VTV7 phối hợp thực hiện
1. Kỳ thi Đánh giá tư duy là gì?
Kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) là kỳ thi riêng do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức từ năm 2020. Đây là một trong các phương thức xét tuyển quan trọng của trường, bên cạnh các hình thức như xét tuyển tài năng và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi đánh giá tư duy nhằm kiểm tra năng lực tư duy toàn diện của thí sinh, tiếp cận các phương pháp đánh giá tư duy hiện đại tương tự như SAT hay ACT ở các nước phát triển. Mục tiêu của kỳ thi này là nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực, tư duy tốt để theo học tại trường.
Với việc tổ chức kỳ thi này, Đại học Bách khoa Hà Nội từng bước tự chủ trong công tác tuyển sinh và đáp ứng nhu cầu của nhiều trường Đại học khác sử dụng kết quả TSA để xét tuyển sinh viên.
2. Thi Đánh giá tư duy gồm những môn nào?
Kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội bao gồm ba phần thi, đánh giá toàn diện các kỹ năng tư duy của thí sinh:
Tư duy Toán học:
Đây là phần thi quan trọng với thời gian làm bài 60 phút. Nội dung bao gồm kiến thức về Số học, Đại số, Hàm số, Hình học, Thống kê, và Xác suất, tập trung chủ yếu vào chương trình Toán lớp 11 và 12. Phần thi này đánh giá khả năng tính toán, lập luận toán học, và áp dụng các công thức vào việc giải quyết vấn đề.
Tư duy Đọc hiểu:
Phần này diễn ra trong 30 phút, tập trung vào việc đánh giá khả năng đọc nhanh và hiểu đúng thông tin từ các văn bản khoa học, báo chí, và văn học. Các câu hỏi yêu cầu thí sinh phải xác định ý chính, lập luận, và giải thích chi tiết từ văn bản.
Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề:
Phần thi này nhằm kiểm tra khả năng phân tích, giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thí sinh sẽ cần vận dụng kiến thức vật lý, hóa học, và sinh học để đưa ra giải pháp cho các vấn đề thực tiễn.
Cấu trúc này giúp đánh giá toàn diện từ khả năng tư duy định lượng, đọc hiểu, cho đến tư duy khoa học, nhằm chọn lọc những thí sinh phù hợp nhất cho các ngành học có yêu cầu tư duy cao.
Như vậy có thể thấy, kỳ thi đánh giá tư duy kiểm tra toàn diện kiến thức và ứng dụng thực tiễn từ các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông như: Toán, Ngữ Văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học…
3. Những ai nên tham gia kỳ thi Đánh giá tư duy?
Kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức là một kỳ thi được thiết kế nhằm đánh giá năng lực tư duy của học sinh một cách toàn diện. Bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi này được nhiều trường Đại học trên cả nước sử dụng trong phương án tuyển sinh. Vì vậy, theo góc nhìn của Hava, kỳ thi này phù hợp với các đối tượng sau:
3.1. Muốn tăng tỉ lệ Đỗ Đại học Top đầu.
Trong những năm trở lại đây, đặc biệt là trước kỳ tuyển sinh Đại học 2025, nhiều trường Đại học trong đó có nhiều trường Top đã công bố hoặc có kế hoạch dự kiến về việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp THPT. Song song với đó là tăng chỉ tiêu với các phương án xét tuyển riêng, như sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy hay kỳ thi Đánh giá năng lực.
Chính vì vậy, việc tham gia và có được kết quả thi đánh giá tư duy tốt sẽ giúp các thí sinh có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào các trường Top đầu cũng như những ngành học hot mà bản thân mong muốn.
>> Xem thêm: Cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực 2025 ĐHQG Hà Nội
3.2. Muốn xét tuyển sớm để thoải mái hơn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT
Mấu chốt và mục đích sau cùng của rất nhiều bạn là đỗ đại học, nhưng trước giờ xã hội và mặt bằng chung hay so sánh nhau về kết quả kỳ thi Đại học (cũ), sau này là kỳ thi THPT Quốc Gia, và bây giờ là kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Điều này dẫn đến vấn đề là càng sát thời gian thi do Bộ giáo dục tổ chức, thì áp lực tâm lý càng đè nặng lên các bạn thí sinh, chưa kế còn cả thời gian trước và sau khi biết điểm thi nữa.
Bởi thế, khi kỳ thi Đánh giá tư duy được tổ chức sớm hơn, trước khi diễn ra kỳ thi Tốt nghiệp THPT thì đây cũng là cơ hội để nhiều bạn học sinh 2k7 (lớp 12) xuất phát sớm để dành trước tấm vé vào nơi mà mình mơ ước. Sau khi có điểm số tốt cùng với việc căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn của các năm trước đó, nhiều bạn đã có thể thoải mái và nhẹ nhõm hơn cho hành trình tiếp theo. Điều thú vị là có nhiều bạn, khi giảm tải được nhiều về áp lực thì lại còn đạt kết quả rất cao trong kỳ thi Tốt nghiệp.
3.3. Học sinh có nền tảng tư duy Toán học, Khoa học và Đọc hiểu
Kỳ thi Đánh giá tư duy bao gồm các phần thi về Toán học, Đọc hiểu và Giải quyết vấn đề. Điều này đồng nghĩa với việc các học sinh có tư duy tốt trong các lĩnh vực trên sẽ có lợi thế trong việc làm bài và đạt điểm cao.
3.4. Học sinh tự tin vào khả năng suy luận và giải quyết vấn đề
Đề thi ngoài kiểm tra kiến thức cơ bản còn đề cao việc đánh giá khả năng suy luận logic, phân tích và giải quyết vấn đề theo hướng ứng dụng thực tế. Những học sinh có kỹ năng tư duy phân tích và tổng hợp tốt sẽ có cơ hội đạt kết quả cao.
Kỳ thi này không chỉ dành cho những học sinh giỏi mà còn mở ra cơ hội cho những bạn có khả năng tư duy tốt nhưng chưa phát huy được hết trong các kỳ thi truyền thống.
4. Cấu trúc mới nhất bài thi Đánh giá tư duy 2025
Theo thông tin mới nhất từ ĐH Bách Khoa hà Nội, cấu trúc đề của kỳ thi Đánh giá tư duy 2025 tiếp tục duy trì như những năm trước, với thời gian làm bài 150 phút và ba phần thi chính: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu (ngữ văn), và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (các môn khoa học). Mỗi phần thi độc lập với nhau và được thiết kế nhằm đánh giá khả năng tư duy, suy luận của thí sinh, không chỉ đơn thuần kiểm tra kiến thức sách vở.
4.1. Các phần bài thi của kỳ thi Đánh giá tư duy
Bài thi TSA có tổng điểm là 100 với 3 phần bài thi như sau:
– Tư duy Toán học: Thời gian làm bài là 60 phút, chiếm 40 điểm.
– Tư duy Đọc hiểu: Phần thi này kéo dài 30 phút, chiếm 20 điểm.
– Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề: Thí sinh làm trong 60 phút, chiếm 40 điểm.
4.2. Các dạng câu hỏi trong bài thi
Bài thi sử dụng các dạng câu hỏi trắc nghiệm và điền từ, bao gồm:
– Câu hỏi 1 lựa chọn đúng: Thí sinh phải chọn 1 phương án đúng trong 4 phương án..
– Câu hỏi nhiều lựa chọn: Thí sinh phải chọn nhiều phương án đúng.
– Câu hỏi dạng Đúng/Sai: Thí sinh chọn câu trả lời đúng hoặc sai.
– Câu hỏi dạng có câu trả lời ngắn: Yêu cầu thí sinh điền câu trả lời chính xác, thường là các từ ngắn, các số nguyên hoặc số thập phân đơn giản.
– Câu hỏi dạng kéo thả: Chọn đáp án từ dữ liệu cho sẵn và ghép với các khoảng trống phù hợp.
5. Kỳ thi Đánh giá tư duy 2025 được tổ chức ở đâu, lịch thi như thế nào?
Với định hướng giữ vững sự ổn định như năm 2024, kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều đợt (năm 2024 có 6 đợt), bắt đầu từ cuối năm 2024 (tháng 12) và kéo dài sang năm 2025. Điều này giúp thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân.
Về địa điểm, kỳ thi sẽ được tổ chức tại các trung tâm khảo thí trên khắp cả nước. Các điểm thi trải rộng từ miền Bắc đến miền Trung để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Một số địa điểm tổ chức tại các địa phương như sau:
– Ở Hà Nội: Đại học BK Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Thủy Lợi, Hv Ngân hàng, Trường Đại học Giao thông vận tải, Công nghiệp Hà Nội, Kinh tế kỹ thuật công nghiệp và 1 số cơ sở giáo dục đại học khác.
– Ở tỉnh Nghệ An: Điểm thi tại trường Đại học Vinh.
– Ở tỉnh Thanh Hóa: Điểm thi tại trường Đại học Hồng Đức.
– Ở Hải Phòng: Điểm thi tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
– Ở tỉnh Nam Định: Điểm thi tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định,
– Ở tỉnh Hưng Yên: Điểm thi tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.
– Ở tỉnh Thái Nguyên: Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Thái Nguyên.
– Ở Đà Nẵng: Điểm thi tại trường Đại học BK – Đại học Đà Nẵng.
– Ở tỉnh Thái Bình: Điểm thi tại trường Đại học Thái Bình.
– Ở tỉnh Hải Dương: Điểm thi tại trường Đại học Sao đỏ.
– Ở tỉnh Quảng Ninh: Điểm thi tại trường Đại học Hạ Long.
Bên cạnh đó, năm học này, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến mở thêm các điểm thi tại các khu vực miền núi như Tây Bắc và các tỉnh khác để hỗ trợ những thí sinh ở các khu vực khó khăn về địa lý.
Lịch thi chi tiết cho các đợt sẽ được công bố sớm để thí sinh có thể chuẩn bị, với mỗi đợt thi diễn ra trong một buổi, giúp thí sinh có thể hoàn thành bài thi trong ngày mà không bị ảnh hưởng đến thời gian biểu cá nhân. Thí sinh sẽ thi trực tuyến trên máy tính tại các điểm thi được bố trí phòng máy đầy đủ thiết bị.
6. Cách thức đăng ký thi Đánh giá tư duy ĐHBK Hà Nội
Kỳ thi dự kiến tổ chức 6 đợt như năm 2024, thời gian mở đăng ký kỳ thi đánh giá tư duy thường diễn ra trước 2 tuần – 3 tuần thời gian diễn ra Đợt thi. Các thí sinh tiến hành đăng ký bằng cách thao tác theo hướng dẫn:
Bước 1: Truy cập vào trang Cổng thông tin Tuyển sinh-Hướng nghiệp của ĐH Bách Khoa Hà Nội tại: https://ts-hn.hust.edu.vn
Bước 2: Bấm vào biểu tượng “Kỳ thi ĐGTD (TSA)”, chọn “Đăng ký” để tiếp tục.
Mọi thao tác trong quy trình đăng ký đều được thực hiện trực tuyến. Vì thế, các thí sinh tại các tỉnh khu vực miền Bắc có thể dễ dàng đăng ký tham dự kỳ thi ĐGTD một cách đơn giản và thuận lợi. Ngoài ra, thí sinh còn có thể lựa chọn thời điểm thi, điểm điểm dự thi, sao cho phù hợp nhất đối với kế hoạch và điều kiện của mình.
Phí đăng ký:
Sau khi hoàn tất điền thông tin, thí sinh cần nộp phí đăng ký qua các phương thức thanh toán trực tuyến mà hệ thống cung cấp. Phí này không hoàn lại.
Xác nhận đăng ký:
Sau khi đăng ký thành công và nộp lệ phí, thí sinh sẽ nhận được email xác nhận. Hãy kiểm tra kỹ thông tin để tránh sai sót trong quá trình dự thi.
7. Bí quyết ôn thi Đánh giá tư duy hiệu quả từ các thủ khoa, á khoa
Để đạt điểm số cao trong kỳ thi Đánh giá tư duy ĐHBK Hà Nội, các thủ khoa, á khoa và các thí sinh đạt điểm cao cho rằng, ngoài kiến thức nền tảng, học sinh cần có phương pháp ôn tập và chiến lược đúng đắn. Dưới đây là một số chìa khóa đã được các thủ khoa, á khoa chia sẻ và được CLB Thủ Khoa Hà Nội tổng hợp lại:
7.1. Hiểu rõ cấu trúc và trọng tâm của bài thi
Cũng giống như bất cứ một game nào, để chơi tốt trước tiên chúng ta cần hiểu và nắm vững luật chơi. Với bài thi Đánh giá tư duy (TSA), để thi tốt chúng ta cũng cần hiểu rõ về cấu trúc và trọng tâm nội dung của bài thi. Khi đó chúng ta sẽ biết những “thử thách” phải đối mặt và những “chướng ngại vật” cần phải vượt qua.
Bài thi Đánh giá tư duy chủ yếu tập trung vào ba phần: tư duy toán học, đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề. Học sinh cần làm quen với cách ra đề, rèn luyện tư duy logic, kỹ năng đọc hiểu nhanh, và khả năng phân tích, tổng hợp thông tin. Các em có thể xem lại chi tiết ở mục 2 của bài viết này ở trên.
7.2. Chia nhỏ giai đoạn để ôn luyện
– Giai đoạn 1: Nắm chắc kiến thức nền tảng
Thực tế qua nhiều năm cho thấy, các câu hỏi trong bài thi ĐGTD chỉ là có cách tiếp cận vấn đề khác và có tính liên hệ thực tế cao hơn thôi, còn về nội dung kiến thức để ứng dụng vẫn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông. Bằng chứng là qua các năm, đã có rất nhiều bạn đạt được điểm số cao. Vì vậy các em học sinh không cần quá lo lắng, trước tiên là học tốt kiến thức nền tảng từ các lớp học ở trường và học thêm, bởi vì ông cha ta thường có câu “có bột mới gột nên hồ”.
– Giai đoạn 2: Ôn luyện mở rộng và có chiều sâu
Sau khi có kiến thức nền vững chắc, chúng ta chuyển sang luyện các dạng bài có trong đề thi ĐGTD, mục đích là để làm quen với các “chướng ngại vật” và học cách vượt qua nó. Quan trọng là cần hiểu bản chất và nắm rõ phương pháp cho từng dạng cụ thể. Đừng cố gắng nhớ mà hãy tìm cách để hiểu nó.
– Giai đoạn 3: Luyện đề tổng hợp và thi thử (khoảng 1 tháng trước kỳ thi)
Thực chiến bao giờ cũng rất quan trọng, việc làm đi làm lại, va chạm nhiều lần với các cách đặt câu hỏi của các đề thi khác nhau, cùng với việc bấm giờ…sẽ giúp chúng mình rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, tư duy nhanh nhạy, từ đó tăng phản xạ nhận dạng và kinh nghiệm giải nhanh. Giống như việc chơi game, việc tập luyện nhiều lần giúp chúng ta đúc rút kinh nghiệm, tránh sai sót và vượt qua các thử thách một cách dễ dàng hơn.
7.3. Phương pháp ôn tập cho từng phần bài thi
– Phần tư duy Toán học:
Để đạt điểm cao, học sinh cần chắc chắn kiến thức Toán học lớp 12 và biết vận dụng linh hoạt vào các bài toán thực tế. Các thủ khoa khuyên nên tập trung vào việc hiểu bản chất của các khái niệm thay vì chỉ ghi nhớ công thức.
– Phần Đọc hiểu:
Đọc hiểu không chỉ đòi hỏi khả năng đọc nhanh mà còn phải hiểu sâu và phân tích kỹ các thông tin. Nên thường xuyên đọc các bài báo, tài liệu khoa học hoặc văn bản dài để cải thiện khả năng đọc hiểu nhanh và hiệu quả.
– Phần tư duy khoa học/giải quyết vấn đề:
Đây là phần yêu cầu tư duy logic và khả năng giải quyết các vấn đề trong thời gian ngắn. Học sinh cần rèn luyện khả năng phân tích tình huống, đưa ra giải pháp hợp lý dựa trên các thông tin đã học.
8. Thi thử đánh giá tư duy ở đâu?
Ngoài việc tự ôn và luyện đề tại nhà, các thủ khoa, á khoa cũng khuyên hãy tham gia thi thử để làm quen với các thao tác trên máy, cũng như những áp lực và tránh bỡ ngỡ khi đi thi thật. Đây là kỳ thi riêng, không phải kỳ thi chính thức của Bộ giáo dục, vậy nên việc các Nhà trường hay Sở giáo dục tổ chức các kỳ thi thử khá là hạn chế.
Bạn có thể tìm hiểu các trung tâm, tổ chức giáo dục uy tín để đăng ký tham gia. Nếu muốn, bạn có thể theo dõi và tham gia các đợt thi thử đánh giá tư duy 2025 do CLB Thủ Khoa Hà Nội tổ chức trên website Hava. Năm 2024, đã có hàng nghìn học sinh tham gia thi thử đánh giá năng lực và đánh giá tư duy trên Hava và đạt kết quả rất tốt trong kỳ thi chính thức.
9. Danh sách trường Đại học xét tuyển bằng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy ĐHBK Hà Nội
Đến hết năm học 2023-2024, đã có 36 Đại học, trường Đại học, Học viện và các đơn vị xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, chi tiết em có thể tham khảo ngay bên dưới.
Hava thật sự hi vọng với bài viết này, các em sẽ nắm được những yếu tố và chìa khóa chính để giúp mình đạt được điểm số cao trong kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội sắp tới. Từ đó giúp chúng mình chinh phục được mục tiêu là đỗ được vào trường Đại học mình mơ ước.
Cùng với CLB Thủ Khoa Hà Nội, đội ngũ Hava xin chúc các em luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!