Trong những năm gần đây, để cải thiện khả năng đậu vào Đại học, nhiều học sinh THPT đang chọn tham gia các kỳ thi riêng như: đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, bên cạnh kỳ thi Tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo Dục tổ chức. Việc làm thế nào để ôn thi hiệu quả cũng là nỗi băn khoăn của không ít các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Chính vì vậy, hôm nay Hava Edu và CLB Thủ Khoa Hà Nội sẽ tổng hợp những thông tin hữu ích nhất và những “bí kíp” xoay quanh kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội, để hỗ trợ các em học sinh xây dựng kế hoạch ôn tập một cách phù hợp.
1. Nắm vững “luật chơi” của kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) ĐHQG Hà Nội
Vậy thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội là thi những gì?
1.1. Phần về tư duy định tính:
Trong bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 50 câu tư duy định tính, tập trung vào chương trình Ngữ văn lớp 11 và 12. Bao gồm 6 dạng bài cơ bản thể hiện từ câu 51 đến câu 100, mỗi dạng có đặc điểm và yêu cầu riêng:
- Dạng bài đọc hiểu (câu 51-70): Đề xuất học sinh đọc bài toàn cảnh trước khi tập trung vào câu hỏi, áp dụng kiến thức về biểu đạt, phong cách ngôn ngữ để chọn đáp án chính xác. Các câu khó có tính nhận biết nâng cao, đòi hỏi sự linh hoạt trong vận dụng kiến thức.
- Dạng bài tìm lỗi sai (câu 71-75): Yêu cầu học sinh chú ý đọc tổng quan để xác định lỗi chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Cần ôn luyện về từ đồng âm, từ đồng nghĩa không hoàn toàn và các từ hay dùng sai.
- Dạng bài tìm từ khác loại (câu 76-78): Tập trung vào kiến thức về loại từ, nghĩa của từ, đòi hỏi học sinh chú ý điểm chung giữa các từ ngữ để loại trừ đáp án.
- Dạng bài hỏi về tác giả và tác phẩm (câu 79-80): Học sinh cần nắm vững thông tin về tác giả (tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật) và tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, thể loại, ngôn ngữ, biểu đạt).
- Dạng bài điền từ vào chỗ trống (câu 81-85): Học sinh lựa chọn từ ngữ phù hợp với nội dung đoạn văn, cần áp dụng kiến thức về tác phẩm và chú ý đọc kỹ các đáp án để tránh nhầm lẫn.
- Dạng bài đọc hiểu tác phẩm (câu 86-100): Yêu cầu học sinh nắm vững thông tin về nội dung, nghệ thuật, hình ảnh, và chi tiết đắt giá trong tác phẩm. Cần cẩn trọng đọc kỹ đáp án để tránh sự nhầm lẫn.
1.2. Phần về tư duy định lượng:
Trong bài thi đánh giá năng lực (HSA) Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ bao gồm 50 câu hỏi Toán học. Kiến thức ôn thi sẽ bao gồm cả 3 lớp khối THPT là lớp 10, 11 và 12, với mức độ nhận thức từ Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng đến Vận dụng cao trong mỗi khối lớp. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12.
Đối với chương trình toán lớp 10, thí sinh cần chú ý đến các chuyên đề như Phương trình – Hệ phương trình, Bất đẳng thức – Bất phương trình, Hàm số, Thống kê, Hình học Oxy. Câu hỏi cấp độ nhận biết thường xoay quanh nghiệm của phương trình, hệ phương trình, bất phương trình, và tọa độ điểm trong hình Oxy.
Chương trình toán lớp 11 yêu cầu thí sinh ôn tập đầy đủ 7 chuyên đề trọng tâm, với chú ý đặc biệt đối với phép biến hình, chủ đề ít xuất hiện nhưng có thể thuộc nhóm câu hỏi vận dụng cao.
Đối với chương trình toán lớp 12, thí sinh cần ôn luyện toàn bộ kiến thức chuyên đề từ nhận biết đến vận dụng cao. Câu hỏi chiếm tỉ lệ lớn sẽ tập trung ở các chủ đề như bài toán thực tế về nguyên hàm, tích phân, phương trình – bất phương trình logarit. Các chủ đề khác như khối tròn xoay, trục tọa độ không gian cũng có thể xuất hiện.
1.3. Phần về tư duy khoa học:
Bao gồm 50 câu hỏi tổng hợp từ 5 môn học thuộc cả tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thí sinh cần ôn tập đầy đủ kiến thức từ lớp 11 và 12 trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, và Địa lí.
Kiến thức Vật lí lớp 11 và 12, đặc biệt chú ý đến Từ trường, khúc xạ ánh sáng, dòng điện. Hóa học yêu cầu thí sinh ôn tập từ lớp 10 đến lớp 12 với các chủ đề như Tốc độ phản ứng, cân bằng hóa học, hidrocacbon. Sinh học tập trung vào di truyền, biến dị, cơ chế và quy luật di truyền. Lịch sử và Địa lí đều nằm trong chương trình lớp 11 và 12, với trọng tâm đặc biệt ở lớp 12.
2. “Bí kíp” = chiến lược ôn thi Đánh giá Năng lực (HSA) ĐHQG Hà Nội hiệu quả
2.1. Tự đánh giá khả năng và đặt mục tiêu điểm số
Trước bất kỳ kì thi nào quan trọng, việc xác định năng lực cá nhân và đặt ra mục tiêu điểm số là quan trọng. Việc này giúp học sinh đánh giá được khả năng hiện tại, từ đó xác định rõ điểm yếu cần cải thiện và điểm mạnh để tối ưu hóa thời gian ôn tập. Dựa vào đó, thí sinh có thể lập kế hoạch ôn tập phù hợp với bản thân.
2.2. Vững nền tảng: Muốn ăn hết một con voi thì cần ăn từng miếng nhỏ
Chia nhỏ kiến thức cần ôn tập thành từng phần, như vậy bạn sẽ thấy dễ dàng thực hiện hơn và không bị nản khi nhìn thấy lượng kiến thức lớn. Bạn cũng không cần quá lo lắng vì kiến thức trong bài thi sẽ không thể nằm ngoài chương trình học phổ thông. Chỉ là cách tiếp cận vấn đề để đặt câu hỏi có phần khác đôi chút, vì bài thi muốn đánh giá năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề khi đưa kiến thức ấy gắn liền với thực tế.
Để ôn thi Đánh giá Năng lực (HSA) Đại học Quốc gia Hà Nội hiệu quả, bạn cần tập trung nắm vững kiến thức cơ bản. Cần học sâu, hiểu rõ bản chất của kiến thức để có thể áp dụng linh hoạt trong các loại câu hỏi từ nhận biết đến vận dụng cao. Đề thi thường không đặt nặng về lý thuyết mà đòi hỏi thí sinh thể hiện khả năng tư duy và xử lý vấn đề.
2.3. Làm quen với “sân chơi” và “rào cản”
Đối với những phần kiến thức đã thành thạo, học sinh có thể dành thời gian luyện đề để làm quen và tìm hiểu thêm những phương pháp giải nhanh, và tốt nhất là chọn bộ đề thi điện tử có kèm theo hướng dẫn và lời giải chi tiết. Việc va chạm với cách đặt câu hỏi lạ, với các rào cản và cách giải sớm sẽ giống như việc chúng ta tiêm vắc xin để phòng ngừa một số bệnh. Sau mỗi lần luyện đề, đối với những phần kiến thức còn yếu, bạn cần ôn lại kiến thức trong sách, hỏi thêm thầy cô và thực hành làm lại nhiều câu hỏi cùng dạng bài để nắm vững.
Việc luyện đề thường xuyên giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, nắm bắt dạng câu hỏi và rèn kỹ năng xử lý vấn đề. Quá trình luyện đề khoảng 3 tháng trước kỳ thi chính thức.
Hiện tại Hava Edu cũng đã biên soạn thành công bộ hơn 20 đề thi thử Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và tích hợp trực tiếp trên hệ thống website Hava. Các bạn học sinh khóa 2k6 của nhiều Trường THPT tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng…cũng đã và đang ôn luyện tốt để chuẩn bị cho các đợt thi chính thức của ĐHQG Hà Nội năm 2024.
2.4. “Chơi” thử như thật
Ngoài việc tự luyện, các bạn học sinh cũng nên tham gia các kỳ thi thử để làm quen với môi trường thi và máy tính giống như trong kỳ thi thật. Các kỳ thi thử Đánh giá năng lực (HSA) ĐHQG Hà Nội mà Hava và CLB Thủ Khoa Hà Nội tổ chức, với bộ đề thi được phát triển dựa theo đề thi minh họa và chính thức mới nhất do ĐHQG Hà Nội công bố, là nguồn tài nguyên hữu ích để thí sinh rèn luyện tâm lý thi và làm quen với định dạng đề thi.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ Hava và CLB Thủ Khoa Hà Nội về việc làm thế nào để ôn luyện thật tốt cho kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) ĐHQG Hà Nội. Hi vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin thật hữu ích và giúp các em tự tin hơn để chinh phục mục tiêu đỗ Đại học của mình. Chúc các bạn học sinh sức khỏe và thành công!
Ảnh: Tổng hợp
Biên tập: Admin
hic, e thi xong rồi mới đọc được bài chia sẻ này
Cảm ơn em! Hãy chia sẻ thêm với các em khóa sau của mình nhé <3